Monday, May 21, 2012
Câu chuyện đáng nhớ trong ngày sinh nhật thứ 79 của Bác
Bánh xe lịch sử cứ quay, phủ lên vạn vật lớp bụi thời gian làm lãng quên tất cả. Tuy nhiên đối với bậc vĩ nhân thì lớp bụi thời gian lại giống như những hạt kim tuyến tô điểm cho tên tuổi của họ lấp lánh. Hồ Chí Minh là một trong những bậc vĩ nhân đó. Người sống mãi trong lòng dân tộc và sự nghiệp của đất nước. Làm nên sự bất tử của Người là sự tài hoa, uyên bác và hơn hết đó là sự giản dị, gần gũi và ấm áp rất Người! Trong mọi hoàn cảnh Người luôn lo cho đất nước, luôn nghĩ đến dân tộc. Lần sinh nhật bảy mươi chín tuổi, lần sinh nhật cuối cùng trong đời của Người, Người vẫn thế, vẫn giành thời gian nghĩ đến đất nước, nghĩ đến đồng bào, các cháu thiếu nhi….
Đó là năm 1969, năm này, sức khoẻ của Bác đã giảm sút nhiều, Bác đi lại phải có người dìu.
Ngày 19 tháng 5 năm ấy, đúng 9 giờ Bác ngồi trước bàn làm việc tiếp tục viết và sửa chữa Di chúc. Bác xem lại toàn bộ bản viết trong 4 năm qua, nhưng chỉ chữa thêm ba chữ ở phần mở đầu. Bác dùng chữ "sẽ" thay cho chữ "phải" trong câu "phòng khi tôi phải đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin và các vị cách mạng đàn anh khác". Trong câu "Khi người ta đã ngoài 70 tuổi", Bác thay chữ "tuổi" bằng chữ "xuân". Bản Di chúc là tình yêu thương Bác gửi lại cho toàn thể nhân dân Việt Nam, và ngay chính bản thân Di chúc là kỷ vật lớn của Bác đối với đồng bào ta rồi.
Nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, ông Vũ Kỳ xin phép Bác mời chị Lê Thị Quyên (vợ anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi) và chị Lê Thị Châu vào ăn cơm với Bác. Bác gật đầu hài lòng và dặn thêm:
- Chú mời cả chú Tô, trưa nay sang tiếp khách với Bác. Cả chú nữa, trưa nay chú cũng ăn cơm khách với Bác cho vui.
Bác nói với ông Vũ Kỳ và như nói với chính mình:
- Cháu Trỗi hy sinh cách đây đã gần 5 năm rồi đấy chú nhỉ.
Bác trầm ngâm một lúc rồi bảo:
- Chú phải làm cách nào để cháu Quyên bớt buồn và nói với đồng chí Cần nấu món ăn theo kiểu Nam Bộ để hai cháu miền Nam ăn cho ngon miệng.
Bữa trưa ngày 19 tháng 5 cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ diễn ra thật ấm cúng, thân tình. Bác ăn ngon miệng, vừa ăn vừa nói chuyện rất vui.
Bác thường có thói quen đọc báo hằng ngày, kể cả các báo địa phương. Qua báo Hà Bắc, được biết các cháu thiếu niên hợp tác xã măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh) là những thiếu niên vừa học tập tốt, vừa tham gia sản xuất tốt, có nhiều cố gắng trong việc chăm sóc trâu bò của hợp tác xã. Các cháu luôn luôn cho trâu bò ăn no, đi kiểm tra trâu bò ban đêm, mùa rét vận động các xã viên che kín chuồng trại, may áo cho trâu bò, v.v... Nhờ đó nhiều năm trâu bò của hợp tác xã không bị chết đói, chết rét, mà ngày càng béo khoẻ. Do đó, buổi chiều, sau khi các bác sỹ thăm bệnh cho Bác, Bác lên nhà sàn viết thư khen các cháu thiếu niên hợp tác xã Măng non thôn Phú Mẫn.
Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, hầu như năm nào Bác cũng gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Đây là lá thư được viết và gửi đúng ngày thiêng liêng- ngày sinh nhật Bác và là thư cuối cùng Bác Hồ gửi cho thiếu nhi Việt Nam.
Làm theo lời Bác dạy, nhiều đội viên thiếu niên năm ấy nay đã trưởng thành như: các sỹ quan quân đội Đặng Đình Chiến, Lê Đình Khang, bác sỹ Lê Danh Quang, tiến sỹ Nguyễn Hữu Tráng, Phó Vụ trưởng (Bộ Công An) Nguyễn Đăng Nghiệm, kỹ sư Nguyễn Văn Lương...38 năm qua các thế hệ thiếu niên thôn Phú Mẫn vẫn duy trì "hợp tác xã Măng non", tham gia tuyên truyền, cổ động các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, duy trì nền nếp đánh trống báo giờ học buổi tối, hằng tuần tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm...góp phần xây dựng quê hương giầu, đẹp.
Hiếm có vị Chủ tịch nước nào trong sinh nhật của mình lại lo nghĩ cho nhân dân, cho đồng bào nhiều như Bác. Qủa thật Bác đã “là Cha, là Bác, là Anh” của đồng bào Việt Nam tự lúc nào không ai hay. Cảm ơn đất nước ta, cảm ơn non sông Việt Nam đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, niềm tự hào và cũng là lòng biết ơn của dân tộc.
Cái ngày định mệnh đưa Bác đi gặp các cụ Các Mác, Lê Nin ấy đã khiến cả thế giới nghiêng mình. Có lẽ không còn nỗi đau nào lớn hơn nữa cho dân tộc Việt Nam. Thế nhưng Người vẫn luôn sống mãi trong lòng đồng bào. Thế hệ sau sẽ khắc ghi những lời dạy của Người, phấn đấu học tập và làm việc, xây dựng Tổ quốc ngày càng vững mạnh và phát triển. Đó chính là sự đền đáp thiết thực nhất đối với công ơn của Người!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment